Ngày 5 tháng 1, 1914, Henry Ford – sáng lập Công ty Ford Motor trả lương tăng gấp đôi cho hàng ngàn công nhân sản xuất từ 2,38 USD lên 5 USD/ ngày. Chiếc xe Model T được coi như tượng đài xe hơi gắn liền với tên tuổi Henry Ford thậm chí đã có lúc chiếm phân nửa số ô tô trên toàn nước Mỹ vào năm 1918 nhờ vào việc kết hợp dây chuyền sản xuất nhanh chóng tạo nên năng suất sản phẩm cao từ sự thay đổi về chính sách trả lương cao vào thời điểm đó.
Từ câu chuyện trả lương cao của Henry Ford
Đã hơn 100 năm kể từ khi kinh tế thế giới được chứng kiến một cuộc cải cách đáng kinh ngạc trong triết lý lao động của doanh nghiệp do Henry Ford đứng đầu với chương trình “The Five Dollar Day” (5 dollar 1 ngày). Với chính sách mới này, Công ty Ford Motor đã trả lương cao gấp 2 – 3 lần so với mặt bằng chung của thị trường lúc bấy giờ. Ford đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ đồng nghiệp, các nhà sản xuất khác và sự mỉa mai từ báo chí. Nhưng đổi lại, Ford Motor đã cho ra đời những dòng sản phẩm giá tốt với năng suất vượt bậc.
Trước đó, vào năm 1913, Henry Ford đã phải thuê mới 40,000 nhân công chỉ để giữ lại 13,000 người làm việc. Nhưng chỉ với việc đưa ra mức lương trả cao, Ford đã đẩy lùi sự chây lười và chống đối. Số người nghỉ việc giảm đến 75% và năng suất lao động đã cho thấy sự nỗ lực của công nhân đã tăng lên rất nhiều.
Chính sách mới này của Ford không chỉ đem lại thiện cảm và sự ủng hộ của giới công nhân với doanh nghiệp của ông mà còn hoàn thành xuất sắc kỳ vọng ban đầu ông đặt ra: cắt giảm chi phí, nâng cao tinh thần công nhân và giữ chân những nhân viên tốt. Chi phí cho việc tăng lương đã được bù đắp bằng cách tăng sản lượng và giảm chi phí do đào tạo và các chi phí khác cho việc tuyển nhân viên mới. Và hơn thế, việc tăng lương còn giúp nhiều công nhân của Henry Ford đủ tiền mua ô tô Ford, góp phần tăng thêm doanh số bán hàng của công ty.
Trong một lần phát biểu, Ford nói: “Việc tăng lương, thưởng đáng được phải làm và phải làm sớm. Giúp những người làm việc ở công ty mình bảo đảm cuộc sống của họ là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp. Nếu chi lương cao không bảo đảm được quỹ kinh doanh là khuyết điểm của bản thân việc kinh doanh. Không bảo đảm được đời sống của người làm công cho mình là không đủ tư cách kinh doanh”.
Đến bài toán nhân lực Việt Nam thời hội nhập
Việc Việt Nam tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), ký kết các hiệp định thương mại tự do khác cuối năm 2015 đã mở ra nhiều cơ hội và không ít thách thức cho các doanh nghiệp Việt. Hội nhập đồng nghĩa với thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Ngoài chiếm được vị trí thuận lợi do các nguồn lực mạnh, các doanh nghiệp này còn có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực. Họ đưa ra các chính sách lôi kéo nguồn nhân công lành nghề của các doanh nghiệp lân cận bằng cách trả lương thưởng cao hơn mức của thị trường. Dẫn đến thực trạng nhiều doanh nghiệp Việt bị thua ngay trên sân nhà khi mà một loạt công nhân nghỉ việc để tìm cơ hội việc làm tại nơi trả lương cao hơn.
Trong một cuộc khảo sát nơi làm việc người lao động mong muốn nhất cuối năm 2014 của 1 trang việc làm Việt Nam, với 3,093 phiếu khảo sát kết quả Unilevel Việt Nam, Samsung là 2 vị trí đứng đầu, chứng minh sức hấp dẫn của các doanh nghiệp ngoại.
Doanh nghiệp Việt có nên áp dụng “triết lý trả lương cao” của Henry Ford?
Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã tham khảo các cách trả lương hiệu quả thường được áp dụng trên thế giới như: phương pháp trả lương 3p, phương pháp HAY. Tuy vậy trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, triết lý trả lương của Henry Ford cũng là gợi lý khá phù hợp và đã có một số trường hợp áp dụng thành công.
Một ví dụ về các doanh nghiệp Viễn thông tại Việt Nam khi thuê các công nhân kéo cáp. Do công việc đơn giản, nên các doanh nghiệp này chỉ thuê nhân công trình độ học dưới 12/12. Nhưng có một doanh nghiệp đã trả mức lương cho những công nhân kéo cáp của họ cao gấp 2,5 lần so với mặt bằng của các doanh nghiệp cạnh tranh và chỉ tuyển những người trình độ cao đẳng trở lên. Công việc họ quy định làm 6,5 đường/ ngày (các công ty bình thường yêu cầu 2 đường/ người). Nhờ đó, việc lắp đặt cho các khách hàng cũng được nhanh chóng hơn các công ty khác. Cũng nhờ trình độ cao hơn, sử dụng thành thạo vi tính nên khi tiếp xúc khách hàng, những công nhân này cũng tư vấn được nhiều hơn và nhiệt tình hơn. Nếu tính ra, doanh nghiệp bỏ tiền để trả lương gấp đôi nhưng công nhân lại làm việc hiệu quả gấp 3 và nhiệt tình hơn. Từ đó giảm chi phí nhân sự, chi phí quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trả lương cao để có nhân lực tốt làm việc sẽ tốt hơn là trả lương thấp, nhân công không đáp ứng đủ yêu cầu kéo theo nhiều chi phí đi kèm. Các doanh nghiệp cần phải nhớ “Con người chính là tài sản quan trọng nhất của một doanh nghiệp”. Muốn cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp nước ngoài, nguồn lực đầu tiên các công ty cần đầu tư chính là con người. Máy móc hay thiết bị cũng cần có sự vận hành của những bộ óc. Henry Ford cách đây 100 năm khi đưa ra chính sách mới này cũng không khỏi lo lắng, nhưng chính nhờ sự táo bạo, quyết đoán, ông đã khiến cả thế giới biết đến một đế chế công nghiệp ô tô hùng mạnh.
Lê Thúy Hằng (nicvn.com)